Information Technology VietNam

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

    Nghề sửa ĐTDĐ có hấp dẫn không?

    ltv2009
    ltv2009
    Top Poster
    Top Poster


    Giới tính : Nữ Bài gửi : 198
    Tổng Điểm : 450
    Điểm Thưởng : 5
    Sinh Nhật : 17/10/1990 Bị Dụ Dỗ : 10/10/2009
    Tuổi : 34

    Nghề sửa ĐTDĐ có hấp dẫn không? Empty Nghề sửa ĐTDĐ có hấp dẫn không?

    Bài gửi by ltv2009 12/11/2009, 01:48

    Khi cánh cửa vào giảng đường đại học đóng lại đối với hàng trăm ngàn bạn trẻ sau mỗi kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng, thì đó cũng là lúc các bậc phụ huynh phải trăn trở để tìm cho con mình một nghề mưu sinh. Và không rõ từ khi nào, ngành sửa chữa điện thoại di động (ĐTDĐ) bỗng trở thành một sự lựa chọn hàng đầu của phần đông các bạn trẻ trong những trường hợp này.


    Nghề sửa ĐTDĐ có hấp dẫn không? 091111174013-44-490
    Nhu cầu học sửa điện thoại vẫn còn ở nhiều bạn trẻ, nhất là vùng quê. (Ảnh:P.U)



    Gà đẻ trứng vàng?
    Trả lời phỏng vấn của e-CHÍP M!, giám đốc một trung tâm sửa chữa ĐTDĐ ở TP.HCM khẳng định nghề đào tạo sửa chữa ĐTDĐ đang là “con gà đẻ trứng vàng” ở trung tâm của anh và hầu hết các trung tâm sửa chữa cũng như đào tạo khác trên địa bàn TP.HCM. Sở dĩ anh dám khẳng định điều này bởi nếu làm một phép tính đơn giản, với mức học phí một khoá trọn gói bình quân là tám triệu đồng, kéo dài khoảng bốn tháng, thì ngay cả một trung tâm nhỏ cũng có thể nhét túi hàng trăm triệu mỗi tháng một cách dễ dàng. Đó là chưa kể đến lợi nhuận có được từ việc nhận sửa chữa điện thoại từ khách hàng và các cửa hàng thiếu nhân viên kỹ thuật.

    Qua khảo sát của e-CHÍP M!, điều này có được là do nhu cầu học sửa chữa ĐTDĐ tuy đã giảm nhiều so với cách đây khoảng hai năm, nhưng vẫn còn một số lượng rất lớn các bạn trẻ ở tỉnh xem nghề sửa chữa ĐTDĐ là ngành đáng để theo học. Đối tượng theo ngành này khá đa dạng nhưng phần lớn là các bạn trẻ có ý định mở cửa hàng ĐTDĐ và một số ít là những chủ cửa hàng ĐTDĐ đi học thêm để bổ sung kiến thức.

    Tuy nhiên, dù số lượng người theo học ngành này hiện nay là khá lớn nhưng hầu hết các trung tâm sửa chữa ĐTDĐ vẫn luôn ở tình trạng thiếu thợ sửa chữa có tay nghề cao. Điều này cũng khá dễ hiểu do gần như hầu hết những người chọn học sửa chữa ĐTDĐ đều có dự định mở cho mình một cửa hàng riêng để có thu nhập cao hơn.

    Rất ít học viên sau khi hoàn tất khoá học có thể chấp nhận làm việc với mức lương rẻ mạt ở các trung tâm và cửa hàng nhỏ. Hơn nữa, vấn đề bằng cấp luôn là một rào cản khá lớn đối với những kỹ thuật viên điện thoại khi xin việc vào trung tâm bảo hành của các hãng lớn. Không hiếm trường hợp những học viên của các trung tâm đào tạo chỉ có được tấm bằng THCS trước khi đăng ký học tại đây.

    Hấp dẫn bởi… quảng cáo

    T., một bạn trẻ ở Đồng Nai quyết định chọn ngay nghề sửa chữa ĐTDĐ sau khi đọc những lời quảng cáo “có cánh” của một trung tâm đào tạo sửa chữa tại TP.HCM. Sau khi xin gia đình số tiền gần tám triệu đồng và một ít chi phí ăn ở trong thời gian ở nhà người quen để đi học, T. đăng ký ngay một khoá học bao nghề với suy nghĩ khá đơn giản: nếu học xong mở tiệm được thì chỉ một tháng sau là gỡ lại mọi học phí, còn nếu đi làm thuê thì cũng chậm nhất là ba tháng là xong. Không rõ trình độ đào tạo của trung tâm này tới đâu, chỉ biết T. chật vật mãi cũng kết thúc được khoá học mà đôi lúc cầm mỏ hàn cũng tỏ ra khá lúng túng, hỏi ra thì T. trả lời một cách ậm ừ: “Do trường thiếu máy thực hành nên chưa quen, vài bữa kiếm tiệm nào xin vô làm thì chắc sẽ lên tay nghề nhanh thôi”.

    Không chỉ hấp dẫn những bạn trẻ có đang có nhu cầu học nghề, ngành sửa chữa điện thoại di động còn thu hút sự quan tâm của những người đang có việc làm ổn định. Một người trong số này nhận định: “Phải có thu nhập cao thì các cửa hàng điện thoại mới mở nhiều và liên tục đến như vậy”.

    Đang có ý định chuyển sang nghề kinh doanh và sửa chữa ĐTDĐ, anh Hiền, một thợ sửa điện tử ở Đắk Lắk hồ hởi cho rằng đây là một nghề khá “ngon ăn” ở thời điểm hiện tại. Bởi theo nhận định của anh: “Sửa một chiếc ti-vi bây giờ chỉ được từ 30.000đ - 50.000đ mà khách còn trả giá tới lui, trong khi một thợ sửa điện thoại chỉ cần 15 phút sửa chữa cơ bản cũng kiếm được cả trăm ngàn mà chẳng thấy khách cằn nhằn vì giá cao”. Vốn đã có kiến thức về điện tử nên sắp tới anh Hiền chọn giải pháp mua sách về học để tiết kiệm chi phí, tuy nhiên anh cũng không giấu được vẻ lo ngại khi đề cập đến các vấn đề liên quan đến phần mềm và mở mạng, bởi theo anh thì đó là hai món “dễ ăn” nhất đối với một cửa hàng ĐTDĐ ở tỉnh, mà anh thì vốn “mù tịt” về máy tính.


    Nghề sửa ĐTDĐ có hấp dẫn không? 091111174013-279-705
    Trong tình trạng cửa hàng điện thoại mọc ra như nấm, để khẳng định tay nghề sửa chữa không phải dễ. (Ảnh: C.D)
    Liệu có “ngon ăn”?

    Trái ngược với quan điểm trên, anh Duy, một thợ sửa ĐTDĐ ở Q.8, TP.HCM lại tỏ ra khá “ngán ngẩm” và muốn chuyển sang một ngành có thu nhập cao và ổn định hơn.

    Anh cho rằng phong trào học sửa chữa ĐTDĐ bây giờ cũng giống như trào lưu học sửa chữa đồng hồ hay xe gắn máy rầm rộ cách đây vài năm. Khi đó, nhiều người cũng cho rằng đây là hai nghề có triển vọng cao do số lượng người sử dụng ngày càng tăng. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế thì thời “thịnh” của những tiệm sửa xe gắn máy hay đồng hồ đang dần ở giai đoạn thoái trào do những cửa tiệm ngày càng mọc lên nhiều như nấm. Tương tự, ngành sửa chữa điện thoại di động vẫn có thể còn “hot” trong khoảng năm năm sắp tới, nhưng nếu nhìn theo khía cạnh nghề nghiệp thì đây là khoảng thời gian quá ngắn để có thể gọi là sống được lâu dài với nghề.

    Mặc dù doanh thu hàng tháng hiện lên đến hơn 10 triệu đồng nhưng anh Duy cũng tỏ ra không mấy lạc quan vì nếu trừ hết chi phí, mỗi tháng anh cũng chỉ kiếm được trên dưới năm triệu đồng mà đây cũng không phải là thu nhập ổn định.

    Trở lại trường hợp của T., sau nhiều ngày lặn lội tìm nơi làm việc ở TP.HCM không được, T. quyết định về quê và được một cửa hàng nhận vào làm thợ sửa chữa với mức lương vỏn vẹn hai triệu đồng. Tuy nhiên, T. vẫn vui vẻ cho rằng đó là mức lương khá vì làm thợ sửa chữa ĐTDĐ thì “thiếu gì cách để kiếm thêm thu nhập ngoài lương chính”. Tiếc là công việc mới này của T. chỉ kéo dài trong vòng hai tháng vì chủ tiệm cho rằng T. nói được mà làm không được như… quảng cáo.

    Nhìn chung, ngành sửa chữa điện thoại di động vẫn là một nghề có thể đem lại mức sống khá sung túc đối với nhiều người. Tuy nhiên, điều đó lại phụ thuộc khá lớn vào trình độ đào tạo và lương tâm của những trung tâm sửa chữa điện thoại xuất hiện ngày một nhiều theo ý nghĩa đúng của từ “thùng rỗng kêu to”. Vấn đề ở đây là làm sao để có thể chọn đúng được trung tâm đào tạo thực sự có uy tín, bởi theo lời nhận xét khá thẳng thắn của một người trong nghề: “Số lượng trung tâm đào tạo có bài bản và uy tín hiện nay chỉ đếm chưa hết năm đầu ngón tay”.


    (Bài, ảnh: Công Danh/eCHIP M)

      Hôm nay: 2/11/2024, 20:36